Hội hoa Xuân Giáp Thìn 2024 tại TP. Vũng Tàu gây ấn tượng mạnh với người dân và du khách với những linh vật được chăm chút tỉ mỉ, kỳ công đến từng chi tiết. Được lấy cảm hứng từ rồng thời Lý, rồng Vũng Tàu đã trở thành gương mặt mới nổi trong cuộc đua linh vật năm nay.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa – nghệ thuật của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, việc thành phố Vũng Tàu triển khai mức đầu tư quy mô lớn cho Hội hoa Xuân cũng đã khẳng định tiềm lực phát triển mạnh mẽ và quyết tâm trở thành thành phố du lịch biển đẳng cấp Quốc tế. Theo đó, Hội hoa Xuân Giáp Thìn 2024 TP. Vũng Tàu là một tổ hợp trang trí cảnh quan hướng tới sự hiện đại, đổi mới, phát triển dựa trên những giá trị văn hoá, truyền thống cốt lõi của nhân dân thành phố biển Vũng Tàu, kết hợp với yếu tố Tết cổ truyền.
Chủ đề chính của Hội hoa Xuân năm nay là “Đất Nước Bay Lên”, kết hợp đan xen hài hoà giữa 2 hình ảnh tượng trưng cho mùa xuân và đại dương nhằm tôn vinh bề dày di sản văn hóa của thành phố, phản ánh đời sống và tâm hồn người dân địa phương. Các biểu tượng văn hóa hiện diện trong thiết kế gửi gắm niềm tự hào về vẻ đẹp Á Đông, hiện hữu trong những giá trị nổi bật của Vũng Tàu nói riêng và con người Việt nói chung, thổi một làn gió mới để Tết nơi miền biển thêm nhiều cảm hứng rực rỡ và thú vị với ba khu vực chính: Tết Truyền Thống – Xuân Yêu Thương – Vươn Ra Biển Lớn.
Với quy mô đầu tư lớn và ấn tượng nhất từ trước đến nay, linh vật rồng Vũng Tàu đã trở thành trung tâm của Hội hoa Xuân Vũng Tàu 2024 hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách ghé thăm và check-in. Có thể nói Hội hoa Xuân Vũng Tàu đang đã trở thành gương mặt mới nổi bật và là một điểm nhấn đặc biệt ghi danh vào cuộc đua đường hoa xuân năm nay.
Cụ thể, đại cảnh chính của Hội hoa Xuân Vũng Tàu 2024 là hình tượng “Lưỡng Long Chầu Nguyệt” với hình ảnh linh vật rồng với tổng chiều dài gần 100 mét, cao 12 mét được thực hiện tại trung tâm Hoa viên Quang Trung – Hạ Long – Lê Lợi với ý nghĩa linh thiêng, thu hút tài lộc, may mắn cho toàn TP. Vũng Tàu. Đồng thời thể hiện khát vọng vươn xa và phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội của thành phố biển trong tương lai.
Theo KTS Nguyễn Kim Phong, người trực tiếp sáng tạo và thi công biểu tượng linh vật trong đại cảnh “Lưỡng Long Chầu Nguyệt” chia sẻ: “Các kiến trúc sư nghiên cứu rất kỹ và lấy cảm hứng từ hình ảnh con rồng thời nhà Lý – hình ảnh rồng đặc trưng riêng của Việt Nam. Ngoài việc nghiên cứu về chất liệu dân gian, văn hoá, ca dao, tục ngữ, chúng tôi còn phải tìm hiểu các chuẩn mực về tỷ lệ: mặt, thân, độ dài để phác họa ra linh vật sống động, đồng thời mang lại cho linh vật cái hồn, cái thần thái gần nhất với con vật ngoài đời thật, đem đến những cảm xúc cho người xem, truyền tải được những điều mong cầu cho một năm mới an khang, may mắn và tài lộc.”
Hội hoa Xuân Vũng Tàu Tết Giáp Thìn 2024 được sáng tạo và thi công bởi Công ty Cổ phần Phát triển Công viên Cây xanh Vũng Tàu và Công ty Cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam (AGS). Trong đó, thiết kế linh vật luôn là một trong những điểm mạnh của AGS. Những linh vật rồng Vũng Tàu tại sự kiện lần này được thiết kế từ những bản phác hoạ tay, dựng hình 3D, đến làm tiêu bản để kiểm tra, thử nghiệm rất nhiều chất liệu, vật liệu khác nhau để tạo nên được tác phẩm hoàn chỉnh. “Chúng tôi đã lựa chọn sử dụng chất foam đanh, vừa chống chịu được thời tiết, lại vừa cho ra những chiếc vảy rồng sắc nét. Điều này đã tạo nên sự khác biệt, sự đặc trưng của rồng Việt Nam khắc hẳn so với rồng Trung Quốc. Linh vật mà rồng thể hiện sự cao quý và sức sống mãnh liệt kết hợp với những nếp cong mềm mại tượng trưng cho nguồn nước và quyền lực bảo vệ cho nhân dân” – Anh Phong chia sẻ.
Biểu tượng rồng còn xuất hiện hoành tráng dài gần 100m bay trên cao tại Đại cảnh “Rồng Thiêng” mô phỏng hình ảnh rồng kỳ vĩ đang hướng về biển cả. Sử dụng vật liệu mây tre tự nhiên, tạo thành hình thái uốn lượn uyển chuyển như con sóng, rồng Vũng Tàu đã tạo được hiệu ứng đặc sắc như đang chuyển động trong khuôn viên Trưng Trắc – Trưng Nhị. Đại cảnh được trang trí bởi họa tiết mây cổ và các yếu tố Tết như hoa mai, đồng tiền. Các giá hoa được tạo hình cá chép theo tứ “Cá Chép Hóa Rồng” truyền thống. Cá chép nhờ đợt sóng cao đưa lên, vượt qua Vũ Long Môn và hóa Rồng, thể hiện tinh thần, niềm tin về nguồn gốc cao quý của dòng giống Tiên Rồng, hun đúc tinh thần quật khởi và ý chí quật cường của người Việt và là biểu tượng của sự an lành và sung túc, thịnh vượng, biểu trưng cho sự can đảm, may mắn, trót lọt và thành công.
Có thể thấy được, những linh vật tại Hội hoa Xuân Vũng Tàu không chỉ được làm tỉ mỉ đến từng chi tiết bởi bàn tay điêu luyện của những người thợ lành nghề, mà mỗi hình ảnh đều mang ý nghĩa độc đáo riêng biệt, tạo thành tổng thể công trình nghệ thuật đầy ấn tượng. Hội hoa Xuân Giáp Thìn hứa hẹn không chỉ trở thành niềm tự hào của bà con Vũng Tàu mà sẽ thu hút lượng lớn du khách ghé thăm thành phố trong dịp Tết Nguyên Đán, thúc đẩy du lịch địa phương.
Trong giai đoạn này, cuộc đua đường hoa và linh vật đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết bởi những ứng cử viên nặng ký như rồng Huế, rồng Quảng Trị, rồng Thái Nguyên… Tuy nhiên, sự hoành tráng của Hội hoa Xuân và rồng Vũng Tàu xứng đáng trở thành gương mặt mới nổi trên chặng đua linh vật này.