Thực hiện: Kỳ Anh
Viết về một vấn đề đang được nhiều người quan tâm không phải việc khó. Nhưng tìm ra sự mới mẻ, thú vị hơn trong vấn đề lại không phải việc dễ dàng.
Trong cuộc trò chuyện với KTS. Trần Minh Hiếu, tôi và anh bàn luận về kiến trúc xanh – một xu thế kiến trúc được nhiều người ưu chuộng trong hiện tại, không đơn thuần là câu chuyện đi tìm cảm hứng, nhiều người lựa chọn kiến trúc xanh, vì rất nhiều yếu tố như sự yêu thích, thẩm mỹ, công năng,… nhưng liệu mọi người có thực sự dành thời gian cho không gian xanh của mình? Có đủ tình cảm để đặt nó làm ưu tiên?
KTS. Trần Minh Hiếu tốt nghiệp Thạc sĩ Đại học Kiến trúc Paris La Villette, anh hiện đang là chuyên gia thiết kế nội thất, giảng viên Viện đào tạo quốc tế UniDesign và giữ chức Tổng Giám đốc tại Công ty AGS.
Tôi có cuộc hẹn phỏng vấn với anh vào một buổi chiều tại AGS. Ban đầu là vậy, nhưng trong quá trình trao đổi, tôi không nghĩ đó là cuộc phỏng vấn nữa, đó là những chia sẻ từ một KTS tâm huyết, luôn ở tâm thế “lãng mạn như nhà thơ, chính xác như nhà toán học”.
Chào anh! Trước hết cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Bản thân tôi là một người yêu thiên nhiên, vậy nên tôi rất quan tâm đến kiến trúc xanh. Và tôi cũng thấy rằng, đó là mối quan tâm của rất nhiều người trong cuộc sống hiện đại. Sống giữa khói bụi thành phố, áp lực công việc, họ tìm một nơi để trở về, nơi họ về với nguyên bản, hòa hợp với thiên nhiên và còn gì tuyệt vời hơn khi đó là ngôi nhà, là không gian sống của chính mình. Liệu đó có phải lý do khiến kiến trúc xanh trở thành xu hướng kiến trúc được ưa chuộng như hiện nay không, thưa anh?
Kiến trúc xanh đúng là xu thế, nhưng tôi không chắc mọi người đã thực sự hiểu và yêu cái “xu thế” đó hay chưa khi quyết định lựa chọn nó.
Mọi thứ trong cuộc sống ngày nay đều rất nhanh với sự ra đời của công nghệ, truyền thông mạng… Chúng ta thì sống trong những “chiếc hộp”, “hộp” nhà phố, “hộp” chung cư,…rồi lại di chuyển từ “hộp” này sang “hộp” khác trong những chiếc “hộp” oto. Chúng ta bị cuốn theo dòng chảy chuyển phát như những món hàng trong hộp.
Thiên nhiên và cây xanh thì ai cũng thích, nhưng tôi dám chắc rằng rất nhiều bạn trẻ ngại chăm sóc cây vì không đủ thời gian, cũng bởi tác động từ những thứ nói trên. Chúng ta khác với thế hệ trước, họ sinh ra ở làng quê, dưới những tán cây. Vậy nên, có một sự thật là, sống trong một không gian màu xanh là một chuyện, nhưng dành thời gian và quan tâm, sống cùng nó thì trong cuộc sống hiện đại, chúng ta xếp nó ở đằng sau trong các thứ tự ưu tiên.
Chúng ta đang nỗ lực từng ngày để thoát ra khỏi những “hộp sống” và gần gũi với thiện nhiên hơn. Trong đó, kiến trúc xanh là giải pháp.
Thông qua đó, những người kiến trúc sư có sứ mệnh, nhiệm vụ đưa con người trở về nguyên bản, hướng tới giá trị lâu dài, bền vững thay vì những thứ nhanh chóng, tức thời thoả mãn nhu cầu.
Lý do khiến kiến trúc xanh trở thành xu thế như bạn vừa kể trên là bề nổi. Để đạt được đến chiều sâu và trở thành một xu thế đáng trân quý, chúng ta phải bỏ vào đó tình cảm, thời gian, sự quan tâm.
Nói như vậy thì trước khi gia chủ lựa chọn phong cách kiến trúc xanh cho ngôi nhà của mình, anh có lời khuyên gì cho họ?
Hãy tiếp cận kiến trúc xanh một cách tự nhiên và đầy yêu thương, trân quý. Kiến trúc xanh không chỉ đơn thuần là thích cây và cho thật nhiều cây xanh vào không gian sống.
Ở trường học, từ thuở nhỏ, chúng ta được dạy phải yêu thiên nhiên, nhưng lớn lên ta lại không ngại khai thác thiên nhiên để phục vụ mình. Đời sống đô thị khiến ta cũng dần trở nên thờ ơ, coi cây xanh như những mảng chỉ để giải quyết vấn đề về cảnh quan, bóng râm… Ta coi cây đô thị như những miếng rau trên đĩa salad. Đến bao giờ ta coi cây xanh như những chú chó mèo trong gia đình?
Trong không gian sống của bạn, để cây trong nhà có hợp lý không? Bạn thích cây nhưng có thời gian chăm chút, ngắm nhìn sự trưởng thành của nó không?
Hãy nhìn vào nội tâm, xem chúng ta muốn điều gì và cùng các kiến trúc sư tìm ra giải pháp phù hợp nhất.
Tôi lấy ví dụ như một số cuộc thi về kiến trúc, có những không gian xanh được đánh giá rất cao về thẩm mỹ, một không gian khác tính thẩm mỹ không cao bằng nhưng lại giải quyết được bài toán công năng, như chống nóng được cho ngôi nhà chẳng hạn. Có một quan điểm rằng, giải pháp quan trọng hơn décor, anh nghĩ sao về quan điểm này?
Nó cũng tương tự như việc bạn thích xem youtube hay tiktok. Bạn thích chiều sâu hay thích hiệu quả nhanh hơn? Có những gia chủ, họ thích khách đến thăm sẽ thích ngôi nhà ngay, khen ngay, nhưng một số người lại khác. Giải pháp mang tính chất lâu dài thì khó mà đa dạng, phong phú, rực rỡ ngay như trang trí.
Adolf Loos – Một kiến trúc sư người Áo nổi tiếng, cũng là tác giả cuốn sách “Trang trí và tội ác”, trong đó ông viết trang trí không phải là thứ giải quyết bản chất, thâm chí nó còn “giả tạo”. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta đòi hỏi mọi thứ hoàn hảo thì không có, chỉ có thể là tối ưu vỡi những thứ ta có. Chúng ta nên ưu tiên giải quyết vấn đề hơn là trang trí. Sau khi có giải pháp thì có thể tìm ra chi tiết để làm nó đẹp, giải quyết câu chuyện thẩm mỹ.
Nhưng đôi khi vẻ đẹp và sự ấn tượng vượt ra khỏi khuôn khổ cũng khiến ta mê đắm, trong trường hợp đó thì sẽ tìm giải pháp công năng đi theo. Nó cũng tương tự như cách Apple và Microsoft thiết kế máy tính vậy, cả hai đều hay.
Cũng như anh chia sẻ, mỗi gia chủ lại có những sở thích, yêu cầu khác nhau, Vậy một kiến trúc sư làm sao để giữ được “sự lãng mạn” mà vẫn hài hòa với yêu cầu của khách hàng?
Tôi định nghĩa cái đẹp và sự hấp dẫn sinh ra khi ta chợt nhận ra sợi dây liên kết giữa “cái ta thấy” trong tiềm thức của những cái tôi. Cái đẹp nằm trong sự giao thoa. Hãy tìm ra điểm chung đó để hài hòa trong thiết kế. Nhưng trước hết, hãy đến với sáng tác của mình bằng sự cảm mến, coi nó là một đứa con để nhẫn nại và tạo ra những điều tốt nhất cho nó. Sự giao thoa và cảm xúc với công việc cũng giống như lúc ta yêu nhau, tác phẩm là những đứa con chung.
Ngành nghề nào cũng vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng dạt dào cảm hứng sáng tạo, vậy một KTS làm sao để trau dồi điều này, thưa anh?
Chúng tôi tiếp cận thông tin với chiều sâu, chúng tôi cần sự trải nghiệm. Tìm ra câu chuyện trong tác phẩm là cả quá trình, mà “câu chuyện” là thứ phân định đẳng cấp trong bất cứ ngành nghề nào.
Ngoài ra, khi làm một dự án, ta hay coi đó là một cuộc phiêu lưu và thường xảy ra như những bộ phim. Tôi lấy ví dụ như một dự án tại Phú Quốc, hoàng hôn thì không có màu cụ thể, nó là sự chuyển tiếp, KTS phải đến, phải ngắm nhìn, chụp ảnh từ sáng tới tối, sau đó dán lên một chiếc bảng để phân tích, tìm ra mối liên kết và những thú vị bất ngờ, lúc đó tôi ví như một người thám tử vậy. Chúng ta sẽ tìm thấy cái hay, cái đẹp có khi chỉ ở một vệt sáng ban chiều…Sự lãng mạn có trong vạn vật và nó có một bản thể khác trong tiềm thức. Vẻ đẹp sinh ra trong sự so sánh, cái quan trọng là chúng ta tìm ra sợi dây liên kết đó, xuất phát từ tâm hồn mình.
Anh có lời khuyên gì cho các KTS trẻ trên hành chình tìm kiếm, gìn giữ cảm hứng và “sự lãng mạn” trong từng sáng tác của mình?
Thứ nhất là sự chuyên tâm. Đừng bị giới hạn bởi tiến độ deadline. Đôi khi một tiếng làm hiệu quả hơn rất nhiều ngày. Đừng cảm thấy thời gian là một cái hộp giới hạn, khóa mình lại. Nếu không tìm ra cảm hứng thì đó là sự chuyên tâm. Tập trung nghĩ về nó, bên cạnh sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, từ sự tự nghiên cứu,… Khi ta có đủ sự tập trung, ta sẽ tìm thấy những yếu tố cần để thiết lập nên một lối đi. Bê tông thì buộc phải có thời gian để khô, nhưng tinh thần và suy nghĩ của mình không phải bê tông. Nó vốn dĩ là một đầm lầy tối nhưng có đủ trầm tích của mọi thứ.
Thứ 2 là sự hồn nhiên. Tạm quên những thứ gây nhiễu. Xã hội và trải nghiệm xấu thường khiến ta tạo nên những bức tường tầng tầng lớp lớp cản trở những suy nghĩ mạch lạc. Hãy như một đứa trẻ bước đi trên đôi chân trần để con đường sáng tạo trở nên thênh thang!
Cảm ơn anh về những chia sẻ tâm huyết vừa rồi. Chúc anh một ngày tốt lành!